Trước cơn 'cuồng' IELTS - Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này có đang bị bão hòa?

Trước cơn 'cuồng' IELTS - Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này có đang bị bão hòa?

29/12/2022 183

Thời gian vừa qua, trào lưu học, thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đặc biệt là chứng chỉ IELTS ngày càng nở rộ khiến không ít người hoài nghi về giá trị của tấm bằng này.

Những năm gần đây, nhu cầu học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ đã tăng đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt là với chứng chỉ IELTS. Nếu như vài năm trước, chỉ những học sinh đi du học mới theo học, thì nay, xu hướng học IELTS đã trở nên phổ biến hơn ở nhiều đối tượng.

Chứng chỉ IELTS giờ đây không chỉ được biết đến là chứng chỉ để đi du học hay xin việc… mà còn được sử dụng như "tấm vé thông hành" vào các trường đại học. Đặc biệt một số năm trở lại đây, chứng chỉ này còn được sử dụng để xét tuyển thẳng vào các trường THPT "hot", một số trường công lập ở nhiều tỉnh, thành phố.

Nhìn nhận xu hướng giáo dục hiện nay, một số chuyên gia giáo dục cho biết, chứng chỉ IELTS đang trở nên bão hòa vì quá phổ biến ở Việt Nam và nhiều người học thi chỉ để có giấy chứng chỉ mà không cần đạt trình độ thực sự.

Thậm chí, khi được hỏi về nhu cầu học ngoại ngữ, nhiều phụ huynh cho rằng vì thấy bạn bè của con ai cũng học chứng chỉ này nên cũng cố gắng cho con theo học dù không hiểu rõ năng lực ngoại ngữ thực sự của con.

Chia sẻ nỗi băn khoăn của mình, chị Phương Anh đang có con học ở một trường THCS tại Hà Nội cho biết: "Bản thân mình cũng cố gắng đầu tư ngoại ngữ cho con. Ban đầu chỉ đơn thuần là học thêm tiếng Anh nhưng thấy tầm quan trọng của IELTS khi xét tuyển thi đại học hay khi chuyển cấp nên cũng muốn đầu tư sớm để con làm quen, theo kịp các bạn".

Từ một chứng chỉ ngoại ngữ, IELTS giờ đây được lăng xê, được coi là thước đo quy chuẩn về trình độ ngoại ngữ. Ngày càng có nhiều người học IELTS để lấy bằng theo trào lưu chứ không thực sự hiểu về giá trị của tấm bằng này. Vậy liệu rằng, khi xã hội có quá nhiều người có bằng IELTS thì tấm bằng này có mất đi giá trị vốn có của nó?

Chị Cẩm Tú - diễn giả của trang Instagram chia sẻ về học Tiếng Anh herdays719 - cho rằng: "Việc cho rằng IELTS trở nên bão hòa là do chúng ta đang nhìn nhận về khía cạnh rằng một số người học IELTS chỉ để vì 'xu hướng'. Còn nhìn về khía cạnh khác thì đa số đã theo học IELTS họ thường có mục đích cụ thể, không chỉ nâng cấp kỹ năng tiếng Anh của bản thân, mà còn giúp bản thân có khả năng hòa nhập với môi trường quốc tế, phát triển bản thân".

Có thể nói, bản chất IELTS không xấu, nhưng cách người học tiếp cận loại chứng chỉ này sẽ ảnh hưởng tới mức độ "bão hòa" của nó. IELTS không chỉ mang lại lợi ích cho người học ở việc trang bị thêm kiến thức về mặt tiếng Anh mà cũng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để có thể học tập và làm việc ở các môi trường quốc tế.

Chính vì vậy, IELTS vẫn có một chỗ đứng rất riêng, không phải là chỉ vì nhiều người học mà nó trở thành một hiện tượng, một xu hướng, mất đi cái giá trị vốn có. Việc nhiều bạn trẻ và những người đi làm sử dụng chứng chỉ IELTS cũng chứng minh đây là xu thế chung của toàn cầu bởi đầu tư cho ngoại ngữ là để có được hành trang, sự chuẩn bị cho tương lai.

Tuy nhiên, không phải độ tuổi nào cũng có thể tiếp cận với IELTS. Một xu hướng đáng chú ý hiện nay đó là độ tuổi của những người học IELTS đang trẻ hóa. 

Từ trước đến nay, IELTS thường được học sinh đại học hoặc người đi làm đi học để nâng cao trình độ tiếng Anh. Nhưng hiện nay, có rất nhiều học sinh cấp hai và thậm chí là học sinh tiểu học cũng đang học IELTS để chuẩn bị cho tương lai. Nhiều phụ huynh, gia đình chỉ vì chạy theo trào lưu, lại đua nhau đầu tư cho con học ngoại ngữ với mục đích nhằm có ưu thế hơn trong "cuộc đua" tuyển sinh, thì đây lại là một sự "biến tướng".

Chia sẻ về vấn đề này, cô Thanh Tâm - giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy IELTS cho biết: "Việc học ngoại ngữ càng sớm thì càng tốt tuy nhiên cũng phải phụ thuộc và cân nhắc vào khả năng học và cũng như mục tiêu của con. 

Ở độ tuổi nhỏ nên dành thời gian trang bị kiến thức cơ bản, tiếp xúc chậm và vững với tiếng Anh nói chung trước để tạo nền tảng tốt cho các cấp học cao hơn bắt đầu luyện IELTS. Bởi IELTS không chỉ đòi hỏi nền tảng tiếng Anh tốt mà còn cả kiến thức xã hội vì vậy khi ở độ tuổi còn quá nhỏ thì việc trang bị kiến thức xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn".

Đầu tư cho ngoại ngữ, đặc biệt là đầu tư học lấy chứng chỉ tiếng Anh là điều cần thiết. Tuy nhiên, chứng chỉ tiếng Anh chỉ là một công cụ giúp thể hiện năng lực ngôn ngữ cho người học. Chúng ta không nên để chứng chỉ IELTS trở thành một cơn sốt và bỏ qua mục tiêu chính của việc học tiếng Anh.

 

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống

Tags
bg_dangky

Bạn cần tư vấn?

TƯ VẤN MIỄN PHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Gọi điện thoại
Đăng ký khóa học
X

Nhập thông tin đăng ký